Cây keo là nguyên nhân gây sạt lở núi thời gian qua ở Quảng Nam?

Tại kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh Quảng Nam, nhiều đại biểu đặt câu hỏi có phải nguyên nhân sạt lở núi thời gian qua trên địa bàn tỉnh là do cây keo?

Hiện trường vụ sạt lở núi ở Trà Leng xảy ra vào chiều 28.10 khiến 22 người chết và mất tích. /// ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Hiện trường vụ sạt lở núi ở Trà Leng xảy ra vào chiều 28.10 khiến 22 người chết và mất tích. – ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Sáng 8.12, kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX bước sang ngày thứ 2 với phiên thảo luận và chất vấn, trả lời chất vấn.

Xác định nguyên nhân gây sạt lở  núi liên tục ở Quảng Nam

Ông Phan Việt Cường, Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam, đặt câu hỏi mà nhiều đại biểu rất quan tâm là cây keo có phải là nguyên nhân gây sạt lở núi sau những đợt bão lũ vừa qua trên địa bàn tỉnh? Trả lời vấn đề này, ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam, cho rằng đối với câu hỏi này thì cần phải có nghiên cứu khoa học.

Cây keo là nguyên nhân gây sạt lở núi thời gian qua ở Quảng Nam? - ảnh 1

Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam, trả lời câu hỏi có phải cây keo là nguyên nhân gây ra sạt lở trên địa bàn Quảng Nam thời gian qua

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Theo ông Tích, vừa qua, các nhà khoa học, chuyên gia cũng đã có những ý kiến về nguyên nhân gây sạt lở núi xảy ra rất nhiều trên địa bàn tỉnh. Nhưng có thể thấy nguyên nhân trực tiếp, chính xác nhất khiến xảy ra sạt lở núi chính là do cường độ mưa quá lớn.

“Những khu vực ở Quảng Nam bị sạt lở vừa rồi, nếu nói trồng keo là nguyên nhân chính thì các đồng chí cần nên xem lại. Bởi những khu vực miền núi cao ít có diện tích trồng keo. Chúng ta thường thấy keo được trồng ở những vùng núi thấp nên nói cây keo là nguyên nhân gây ra sạt lở núi thì cần phải xem lại”, ông Tích nói.

Cũng theo ông Tích, hiện nay các đề tài nghiên cứu, dự báo, cảnh báo sớm những khu vực có nguy cơ sạt lở ở vùng núi cao như các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn đã có kết quả, và UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành nông nghiệp, khoa học công nghệ sớm có tọa đàm để đánh giá kết quả, các nguyên nhân sạt lở vùng núi rồi sau đó nhân rộng ra trên địa bàn tỉnh.

Về vấn đề sạt lở có liên quan đến việc di dời, tái định cư cho dân, ông Tích cũng đề xuất sắp tới việc hỗ trợ di dời, sắp xếp dân cư miền núi cần phải có nghị quyết nghiêm ngặt trên cơ sở nghiên cứu khoa học, chứ không thể làm những khu tái định cư và di dời dân đến những chỗ mà đáng ra có sự cảnh báo về nguy cơ sạt lở.

Xây dựng nhà máy xử lý rác thải thay vì chôn lấp

Cũng tại phiên chất vấn, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng hiện nay, một số địa phương gặp nhiều lúng túng, vướng mắc trong việc xác định vị trí xây dựng nhà máy xử lý rác thải nên đề nghị tỉnh tiếp tục rà soát quy hoạch các khu xử lý rác trên toàn tỉnh một cách phù hợp, đảm bảo tính khả thi. Cùng với đó, việc xúc tiến, thu hút, chọn nhà đầu tư xây dựng nhà máy rác thải cần lưu ý yếu tố công nghệ xử lý…

Cây keo là nguyên nhân gây sạt lở núi thời gian qua ở Quảng Nam? - ảnh 2

Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, phát biểu tại kỳ họp vào sáng 8.12

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Ông Nguyễn Đình Tiên, Phó trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Quảng Nam, cho hay nhiều ý kiến cho rằng vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải ngày càng nghiêm trọng. Tỉnh cần có giải pháp xây dựng nhà máy xử lý thay vì chôn lấp như hiện nay nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, góp phần hạn chế tình trạng tụ tập đông người, khiếu kiện phức tạp như thời gian qua.

Ngoài ra, cần có cơ chế đầu tư khu xử lý nước thải cụm công nghiệp (từ nguồn ngân sách nhà nước) để hạn chế ô nhiễm môi trường, tránh tạo “điểm nóng”. Cần khẩn trương đầu tư bãi rác như Tam Xuân, Tam Nghĩa…

Theo ông Nguyễn Đình Tiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng tình hình mưa kéo dài gây hôi thối tại các khu xử lý rác thải, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo dùng nguồn dự phòng để xử lý nhưng chưa giải quyết dứt điểm, đề nghị cần quan tâm thực hiện, không để ảnh hưởng môi trường chung.  

Nguồn: https://thanhnien.vn/thoi-su/cay-keo-la-nguyen-nhan-gay-sat-lo-nui-thoi-gian-qua-o-quang-nam-1314597.html

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *