Hi hữu 2 lão nông tranh nhau 4 con bò đi lạc, tòa phải trưng cầu giám định ADN để xét xử

Vì bốn con bò đi lạc, hai lão nông đã xảy ra tranh chấp và cần có sự can thiệp của tòa án. Trước khi xét xử vụ việc, tòa đã phải trưng cầu giám định ADN của bò.

Những vụ tranh chấp vẫn luôn làm người ta đau đầu bởi ai cũng khăng khăng rằng tài sản bị tranh chấp là thuộc về mình. Cũng vì thế, các tin tức vụ việc luôn nhận được sự chú ý của cư dân mạng để chờ đến lúc mọi việc sáng tỏ.

Và vụ việc tranh chấp bốn con bò đến mức đưa nhau ra tòa án của hai lão nông dưới đây có lẽ là câu chuyện đang nhận được rất nhiều sự quan tâm.

  Những con bò thuộc diện tranh chấp. (Ảnh: Pháp Luật Online)
Những con bò thuộc diện tranh chấp. (Ảnh: Pháp Luật Online)

Tranh chấp giữa hai lão nông

Theo Pháp Luật Online, một vụ tranh chấp bò giữa hai người nông dân mới đây tại Hà Tĩnh đã phải nhờ đến sự can thiệp của công nghệ xét nghiệm ADN. Cụ thể, ông D.Đ.H. nói gia đình mình nuôi một đàn bò gồm 9 con theo phương pháp chăn thả ở gần nhà. Thế nhưng khi tới ngày 7/5, khi lùa bò về nhà, ông H. nhận thấy đàn bò nhà mình thiếu mất ba con nên quyết định báo với chính quyền địa phương.

Tới ngày 12/5, trong khi đi tìm bò, con trai ông H. thấy đàn bò của ông H.S.Ch. đang gặm cỏ và cho rằng có ba con trong đàn là bò nhà mình. Khi hỏi chuyện, ông Ch. nói đó là bò nhà mình đi lạc và mới tìm được. Được biết, đàn bò nhà ông Ch. có 23 con, nuôi thả trong trang trại tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hồ Kẻ Gỗ nhưng đến ngày 11/2 thì phát hiện mất hai bò cái, trong đó một con đang mang thai. Gia đình tìm được bò vào cuối tháng 3, khi đó bò mẹ đã sinh thêm bê con.

Không phục với giải thích của phía ông Ch. nên ông H. đã báo với chính quyền, tuy nhiên cán bộ cũng không thể xác định được bò là của nhà ai. Cuối cùng, ông H. quyết định khởi kiện ông Ch. ra Tòa án nhân dân huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh.

  Khu bảo tồn thiên nhiên Hồ Kẻ Gỗ, nơi ông Ch. có trang trại chăn nuôi bò. (Ảnh: Du lịch Hà Tĩnh)
Khu bảo tồn thiên nhiên Hồ Kẻ Gỗ, nơi ông Ch. có trang trại chăn nuôi bò. (Ảnh: Du lịch Hà Tĩnh)

Đếm răng vẫn không xác định được bò nhà ai

Vụ việc đã nhận được rất nhiều quan tâm, nhất là khi trong thời gian này, lại có thêm 1 con bò sinh thêm bê con nữa, nâng tổng số bò bị tranh chấp lên 4 con, giá trị lên tới gần 40 triệu đồng. Một hội đồng thẩm định tại chỗ bao gồm cán bộ ngành chăn nuôi, thú y, đại diện chính quyền địa phương đã được thành lập. Họ vào tận chuồng bò để xem xét tình trạng, xác định độ tuổi bò và đếm cả răng bò cũng như những đặc điểm khác một cách cẩn thận.

Tuy nhiên, mọi việc vẫn chưa ngã ngũ. Bởi vậy, ông H. đã yêu cầu được xác định bằng cách truyền thống, đó là để bốn con bò này ở giữa hai đàn bò, chúng theo đàn nào thì sẽ thuộc về nhà ấy. Thế nhưng ông Ch. đã từ chối lời đề nghị này.  Đôi bên cũng đưa ra lý do lý giải cho các vết sẹo trên bò để làm bằng chứng. Do vậy, buổi hòa giải của tòa án đã bất thành.

  Mặc dù đã có Hội đồng thẩm định, xác nhận đàn bò nhưng buổi hòa giải vẫn bất thành. (Ảnh: Lao Động)
Mặc dù đã có Hội đồng thẩm định, xác nhận đàn bò nhưng buổi hòa giải vẫn bất thành. (Ảnh: Lao Động)

Giám định ADN bò và kết quả vụ việc

Vì các biện pháp nói trên đều không thể giúp đưa ra kết luận cuối cùng và hòa giải đôi bên, vậy nên Tòa án nhân dân huyện Thạch Hà đã phải trưng cầu giám định ADN của bò trước khi đưa vụ việc ra xét xử. Sau khi xét nghiệm, Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ tế bào động vật thuộc Viện chăn nuôi Việt Nam đã đưa ra kết luận những con bò đang bị tranh chấp thuộc về gia đình ông H.

  Tòa án phải trưng cầu giám định ADN cho bò trước khi xét xử. (Ảnh minh họa: Angar)
Tòa án phải trưng cầu giám định ADN cho bò trước khi xét xử. (Ảnh minh họa: Angar)

Ngày 18/8, tòa xử sơ thẩm buộc ông Ch. trả lại bò và bê cho ông H. Nếu ông Ch. làm mất bò hoặc có thiệt hại với chúng thì phải bồi thường cho ông H. 37 triệu đồng, tương đương giá trị của bốn con bò. Riêng con bê sinh sau cùng được ông C. chăm sóc từ đầu nên ông H. phải thanh toán nửa giá trị bê, tương đương 1 triệu đồng cho ông Ch. cùng phí chăm nuôi bò tính từ ngày 14/5 là 2,4 triệu đồng.

Ngoài ra, ông Ch. còn phải thanh toán 7,3 triệu đồng phí xét nghiệm ADN bò cũng như thanh toán 2,8 triệu đồng chi phí thẩm định và định giá. Không đồng tình với kết quả của tòa sơ thẩm, ông Ch. kháng cáo lên cấp phúc thẩm vì “không tin tưởng kết quả giám định ADN”. Trong phiên phúc thẩm được xử vào ngày 11/12 vừa qua, ông Ch. không đưa ra được bằng chứng để chứng minh bò là của mình, hơn nữa ông cũng không miêu tả được đặc điểm cụ thể của bò nên đã bị bác đơn và phải chịu thêm án phí cho lần phúc thẩm này.

  Tòa án nhân dân huyện Thạch Hà, nơi xét xử vụ án hi hữu về tranh chấp đàn bò. (Ảnh: Lao Động)
Tòa án nhân dân huyện Thạch Hà, nơi xét xử vụ án hi hữu về tranh chấp đàn bò. (Ảnh: Lao Động)

Vậy là câu chuyện bò của nhà ai đã phải nhờ tới công nghệ giám định ADN để làm sáng tỏ. Hiện sự việc đang được cư dân mạng chia sẻ và bàn luận khá nhiều trên các diễn đàn.

Nguồn: https://www.yan.vn/hai-lao-nong-tranh-nhau-4-con-bo-di-lac-toa-trung-cau-giam-dinh-adn-251339.html

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *