Quảng Nam: Cầu trăm tỉ không có… đường dẫn: Cái cày đi trước con trâu

Bạn đọc Báo Thanh Niên nhận xét trường hợp cầu Cẩm Kim 'hoàn thiện đã lâu nhưng chưa thể thông xe vì không có đường dẫn' là một ví dụ cho cách 'làm việc không đồng bộ, gây lãng phí'.

Cầu Cẩm Kim chưa thể thông xe do thiếu đường dẫn lên cầu phía TX.Điện Bàn /// Ảnh: Mạnh Cường

Cầu Cẩm Kim chưa thể thông xe do thiếu đường dẫn lên cầu phía TX.Điện Bàn – Ảnh: Mạnh Cường

Như Thanh Niên đã đưa tin, cầu Cẩm Kim bắc qua sông Thu Bồn nối TP.Hội An với TX.Điện Bàn (Quảng Nam) được đầu tư gần 240 tỉ đồng, hoàn thiện đã lâu nhưng chưa thể thông xe do không có đường dẫn lên cầu phía TX.Điện Bàn.

Tréo ngoe cây cầu gần 240 tỉ nhưng không có đường dẫn

Tréo ngoe

Bạn đọc (BĐ) Nguyễn Vinh Thái cho rằng câu chuyện tróe ngoe này “vẫn là chuyện cái cày đi trước con trâu”, đồng thời phân tích “việc xây cầu phải tính luôn dự trù kinh phí giải tỏa, đền bù, tại sao đến khi làm cầu xong bảo chưa tính?”.

Tán thành, BĐ Hon Tran đặt vấn đề “xử lý trách nhiệm” vì “có cầu, không đường dẫn là lỗi phải xác định” và một ngày chậm thông cầu là một ngày lãng phí, đặc biệt khi cây cầu sử dụng nguồn vốn ODA, nếu tắc trách sẽ ảnh hưởng đến uy tín “không chỉ của một địa phương”. Nhắc đến câu chuyện trách nhiệm, BĐ Chu Minh Tuyển đề nghị “đừng đổ lỗi cho người dân” mà cần “xem xét trách nhiệm của cơ quan, chính quyền địa phương trước”.

Cầu Cẩm Kim có tổng mức đầu tư gần 240 tỉ đồng, do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án 6 là đơn vị quản lý. Dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA của Tổ chức JICA (Nhật Bản) và nguồn vốn đối ứng của tỉnh Quảng Nam. Cầu Cẩm Kim gồm 15 nhịp, rộng 12 m, tổng chiều dài hơn 1.000 m, trong đó chiều dài cầu 738 m. Đường hai đầu cầu được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, tốc độ thiết kế 80 km/giờ.

BĐ Kim Liên ngạc nhiên vì thời gian xây dựng cây cầu “không thể xong ngày một ngày hai” thì công tác đền bù giải phóng mặt bằng trong thời gian xây cầu “thực hiện song song như thế nào” để đến lúc cầu hoàn thiện vẫn chưa có đường dẫn, trong khi lẽ ra “phải thực hiện đền bù xong trước mới hợp lý”. BĐ Vu Phong lưu ý “việc giải phóng mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư để thi công là thuộc cấp chính quyền địa phương, Bộ GTVT chỉ phối hợp”, nhưng vì sao sự phối hợp này không mang tới một “mặt bằng sạch” ngay từ đầu trước khi khởi công xây cầu thì BĐ Vu Phong “thú thật là tôi không biết”.

Điệp khúc cũ “vướng giải tỏa đền bù”

Phát biểu trên Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Hà, Phó chủ tịch UBND TX.Điện Bàn, cho biết do vướng mắc mặt bằng của 6 hộ dân nên phần đường dẫn lên cầu Cẩm Kim chưa được giải tỏa để thi công. Ngoài ra, ông Hà cho biết: “Do chưa có khu tái định cư nên chưa thể đối thoại với dân để đưa ra giá đền bù”.

BĐ Trieu Vo Hong lập tức nhận xét “đọc tin mà đụng đến công trình trễ tiến độ là biết ngay điệp khúc vướng giải tỏa đền bù”, đồng thời ngạc nhiên khi “điệp khúc đã cũ rích” này lại không được giải quyết ngay từ đầu, mà phải chờ, “vậy chờ có phải là lãng phí không?”. BĐ Nguyễn Hữu Mỹ “thiệt hết biết” khi kể chuyện “vừa rồi đi Hội An, thấy cây cầu mới đẹp quá, vòng lại lên cầu thì hỡi ôi. Tiền đi vay, làm không đồng bộ, không khai thác ngay, thật tiếc”, vì hóa ra 6 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng một phần do khu tái định cư chưa xong nên chính quyền chưa thể đối thoại với dân để thống nhất giá đền bù.

BĐ Anh lái tàu họ Nhạc góp ý thẳng thắn “cầu xây xong đã lâu mà bây giờ vẫn đang làm thủ tục để xây dựng khu tái định cư cho các hộ giải tỏa đền bù thì… quá tắc trách và lãng phí”.

Cầu xây xong đã lâu không có đường về đưa dâu…

Chóe

Đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đưa vào chương trình “những việc cần làm ngay” để sớm đưa công trình vào phục vụ dân sinh.

Hiep TrungTran

Việc chậm trễ này là do địa phương chưa xây dựng xong khu tái định cư cho những hộ bị giải tỏa. Hy vọng mọi việc sẽ ổn trong thời gian sớm nhất.

Tich Nguyen

Nguồn: https://thanhnien.vn/thoi-su/cau-tram-ti-khong-co-duong-dan-cai-cay-di-truoc-con-trau-1325680.html

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *