Đằng sau lũy tre làng, hơn 80% đàn ông ở Bộng Dầu (thôn Hội An, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) phải thui thủi một mình sớm hôm suốt bao năm qua. Họ chẳng phải không muốn cưới vợ, càng không phải vô tâm sinh lý… có vấn đề.
Không hiểu vì lý do gì mà ai nấy đều “rủ nhau”… “ở vậy”. Cái danh làng “ế” cũng ra đời từ đó.
Sông tiên chảy ngược làm nên chuyện ngược đời?
Huyện miền núi Tiên Phước nằm về phía tây TP. Tam Kỳ, cách trung tâm tỉnh Quảng Nam chưa đầy 30km. Nơi đây, từ lâu vẫn được người dân xứ Quảng gọi bằng mỹ danh “xứ Tiên”. Bởi nó không chỉ mang vẻ đẹp của con “Sông Tiên nước chảy ngược dòng/Ai chưa đến đó cho lòng vấn vương…”, mà còn có đặc sản là trái bòn bon, gắn liền với cái tên Nam trân (trái quý phương Nam) do chính chúa Nguyễn Ánh đặt cho.
Nổi tiếng là thế, nhưng bao đời nay, nơi đây vẫn đang tồn tại nhiều câu chuyện kỳ lạ! Tiên Hà (huyện Tiên Phước) là một ví dụ. Từ xưa, người dân Quảng Nam đã biết đến Tiên Hà như một “cái nôi” sinh ra những thiếu nữ “sắc nước, hương trời”, đẹp người đẹp nết. Thậm chí còn có câu ví “nhất gái Tiên Hà, nhì gà Tiên Cảnh”. Thế nhưng, nhiều thôn ở xã Tiên Hà bị gọi bằng cái tên…“xóm không chồng”. Con gái lớn lên, mặc dù mang sắc đẹp trời cho nhưng lại không chịu lấy chồng mà lần lượt “nối gót” nhau ở vậy.
Ngược lại với Tiên Hà là làng Bộng Dầu. Nơi này trước đây, nổi danh khắp xứ Quảng Nam với nghề ép dầu phụng (dầu lạc) và trái bòn bon ngon ngọt. Sau này, còn nổi tiếng hơn với cái tên làng “đàn ông độc thân”,làng “ế vợ”. Sở dĩ làng được gọi tên như vậy là do đàn ông của làng không chịu lấy vợ. Con số ấy cho đến nay đã lên đến gần 80%.
Nhiều người trong làng không lý giải được lý do của những chuyện kỳ lạ ấy lại “đổ thừa” cho con sông Tiên chảy không theo hướng chảy thông thường là từ tây bắc sang đông nam, mà lại chảy từ hướng tây nam sang đông bắc nên mới gây nên những chuyện ngược đời, trái khuấy. Có người còn mê tín bảo “chắc tại uống nước chảy ngược nên tâm sinh lý cũng ngược theo”.
Khi trai làng rủ nhau… “quá lứa lỡ thì”
Ở làng Bộng Dầu, bóng dáng của những người phụ nữ trở nên hiếm hoi khi các chàng chẳng “chịu lấy vợ”. Con gái trong làng lớn lên cũng lần lượt “đội nón ra đi” về nhà chồng ở các làng lân cận. Trước đây, trong làng còn thành lập nên một câu lạc bộ “độc thân” để sinh hoạt, mà thành viên chính là các chàng trai “ế”. Mặc dù, chủ đề “sinh hoạt” vẫn là bàn về phái đẹp, bàn về cách “cưa cẩm” con gái hoặc chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm “tình trường”. Ấy vậy mà, từ năm này sang năm khác, vẫn chẳng thấy anh nào có vợ, thậm chí là chẳng có người yêu dẫn về làng.
Nói như vậy, không có nghĩa là trai làng Bộng Dầu “tệ” đến mức chẳng ai thèm yêu, cũng chẳng phải vì tâm sinh lý của họ có vấn đề. Theo lời kể của một vài “bóng hồng” hiếm hoi ở làng, các chàng trai ở đây tuy làm đủ nghề, người thợ hồ, người hớt tóc, cưa cây, chẻ đá, xúc cát trên sông Tiên, nhưng ai cũng siêng năng, thật thà, chẳng phải phường “vô công rồi nghề”, quậy phá chòm xóm. Xét về ngoại hình, họ lại càng chẳng có điểm nào để chê. Còn xét về mặt tâm sinh lý thì cũng bình thường. Vì mỗi ngày vẫn thấy các anh chải chuốt, sửa soạn quần áo để đi sang làng bên… tán gái. Thậm chí, thấy con gái đi ngang, nhiều anh còn trêu ghẹo, làm quen.
Anh Nguyễn Hải, “trai ế” trên báo mấy năm trước
Có trường hợp, cô gái chủ động đến xin làm quen, kết bạn các anh cũng sẵn sàng… đồng ý. Sau đó, nhiều mối tình cũng đã chớm nở, nhưng rồi cũng chóng vánh lụi tàn. “Người yêu” có người yêu mới, có chồng rồi có con, chỉ còn lại các anh trai làng Bộng Dầu đã “quá lứa lỡ thì”. Hằng ngày, các anh vẫn một mình ra đồng làm việc, sau đó lại tất bật chợ búa, cơm nước, giặt giũ rồi lại thui thủi một mình lúc nửa đêm cho đến khi trời sáng. Có những anh sinh năm 1970 thậm chí thuộc thế hệ 6X vẫn sống như vậy suốt mấy chục năm qua.
Theo quan niệm, những ai may mắn có người đồng ý cưới thì bắt buộc chàng trai khi mua cau dạm hỏi, phải tìm chọn cây cau mà thân và rễ không được bám sâu dưới đất. Vì người dân cho cho rằng, rễ cau ở sâu dưới đất sẽ hút nước sông Tiên làm cho cuộc sống vợ chồng không hòa thuận, gặp nhiều trắc trở dẫn đến chia tay. Tuy nhiên, cho đến nay, những chàng trai “may mắn” chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đó là những gì chúng tôi đã nghe kể về làng Bộng Dầu.
Đường vào làng Bộng Dầu
Minh oan cho “làng ế”
Vượt qua một chặng đường gần cả trăm cây số, chúng tôi mới đến được huyện miền núi Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam). UBND xã Tiên Châu cũng thuộc địa phận của làng Bộng Dầu. Tiếp chúng tôi là anh Nguyễn Mai Hoài (SN 1983), trưởng công an xã Tiên Châu.
Quá trưa, trời nắng như đổ lửa, nhưng khi biết chúng tôi muốn “xác thực thông tin” về làng “ế vợ”, anh Hoài không ngần ngại nói rõ những bức xúc của dân làng trong thời gian qua: “Không chỉ một vài cá nhân mà rất nhiều người trong làng đều rất bức xúc bởi một vài thông tin không đúng sự thật. Trai làng đâu có ế vợ”. Nêu rõ quan điểm của mình, anh Hòa nhiệt tình dẫn chúng tôi đến tận nhà của những trai làng bị mang tiếng “ế” . Mùa này, con đường độc đạo, chằng chịt những ổ voi dẫn vào làng bụi bay mù mịt. Tìm đến nhà anh Nguyễn Hải (38 tuổi, làng Bộng Dầu), người bị lên mặt báo vì “ế” vợ của làng Bộng Dầu năm xưa. Anh Hải tỏ ra bức xúc và không muốn tiếp chuyện chúng tôi, nhưng nhờ sự giải thích, vận động của anh Hoài, một lúc sau anh Hải mới chịu ngồi lại để “trải lòng”.
Anh bảo: “Hồi xưa cũng có nhà báo về đây, nhưng có hỏi thăm tiếng mô đâu, không biết lấy đâu ra cái hình tôi rồi đưa lên báo bảo là trai ế vợ. Trong khi tôi có vợ đàng hoàng, đến nay hai vợ chồng lấy nhau cũng được 7-8 năm rồi chớ ít chi”.
Vẻ mặt buồn buồn, anh kể: “Vợ tôi tên Nguyễn Thị Được, bằng tuổi tôi. Nhà còn nghèo nên tôi đi làm thuê, còn vợ tôi làm ngoài Đà Nẵng, năm bữa nửa tháng mới về một lần. Tuy chưa có con nhưng cuộc sống vẫn hạnh phúc. Đang yên đang lành, tôi bị lên báo với cái danh “ế vợ”, tôi thì không sao chứ vợ tôi buồn lắm. Đọc được bài báo mà vợ tôi phải bỏ việc lật đật chạy về quê để hỏi chuyện”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Minh Tân (76 tuổi) – trưởng thôn Hội An cho biết: “Cách đây bốn năm, ở tổ Đoàn kết số 19 có năm anh là Trịnh Cương, Trương Văn Minh, Nguyễn Hải, hai người còn lại cùng mang tên Nguyễn Văn Tú ở độ tuổi từ 30 – 40 nhưng đều chưa có gia đình. Tuy nhiên, 2 – 3 năm sau, năm người họ đều lần lượt có vợ. Bây giờ ai cũng đã có hai ba mặt con. Họ chỉ lấy vợ muộn thôi chứ hoàn toàn không “ế””.
“Cuộc sống của người dân thôn Hội An còn tương đối khó khăn, hơn 30% hộ phải chạy ăn từng bữa. Phần vì hoàn cảnh không cho phép, phần vì muốn tậu được riêng cho mình một “cơ ngơi” trước khi lấy vợ. Vì thế, không khó để lý giải vì sao trai làng thường lập gia đình muộn. Nhưng đó chỉ là một vài trường hợp chứ không trên 80% như bài báo viết”, ông Tân thở dài.
Rời nhà ông Tân khi trời bắt đầu tắt nắng, lũ trẻ con men theo những con đường khói bụi trở về nhà sau một ngày học tập. Chúng tôi nhìn khung cảnh ấy rồi lại phì cười, “làng “ế vợ” mà có nhiều trẻ con đến thế sao?”. Chặng đường về sắp tới là gần trăm cây số nữa, tuy nhiên trong đầu chẳng ai còn nghĩ đến những ngoằn nghoèo, uốn lượn của đường đi mà chỉ suy nghĩ về việc làm thế nào để minh oan được cho ngôi làng “ế vợ”.
Mong làng sớm được “minh oan”Anh Nguyễn Mai Hoài, trưởng công an xã Tiên Châu, chia sẻ: “Sự việc nay xảy ra với làng Bộng Dầu mang lại rất nhiều phiền toái và bức xúc. Thông qua kênh thông tin từ báo chí hy vọng rằng làng Bộng Dầu sẽ sớm được “giải oan”, trai làng thoát tiếng “ế vợ” để họ chuyên tâm làm ăn sinh sống”. |
Nguồn: https://congly.vn/ngoi-lang-co-10-nam-trai-khong-tan-duoc-gai-khong-lay-duoc-vo-150887.html