Sân thượng 25m² xanh tốt đủ rau quả quanh năm của cô giáo dạy Toán ở Quảng Ngãi

Khoảng sân thượng với diện tích trồng rau không quá rộng, chỉ 25m² nhưng cô giáo dạy Toán Trần Thị Tâm vẫn sắp xếp khoa học để trồng đủ rau quả ăn hàng ngày cho gia đình mình.

Chị Trần Thị Tâm hiện là giáo viên dạy Toán của một trường cấp 2 ở Quảng Ngãi.

Ngoài những giờ đứng trên bục giảng, chị lại về nhà để chăm chút cho mọi người trong gia đình, trong đó trồng rau trên sân thượng là công việc mà chị yêu thích.

Nhờ động lực bảo vệ sức khỏe cho cả nhà, nấu những bữa ăn chất lượng, chị Tâm tận dụng khoảng diện tích 25m2 trên tổng diện tích 70m2 của sân thượng tầng 3 để tạo nên khu vườn tươi tốt.

Các chậu rau xanh tốt thu hoạch được nhiều lần.

Khoảng diện tích trồng rau không quá rộng nhưng được sắp xếp quy củ.

Chị Tâm hiện đang là giáo viên dạy Toán.

Khoảng sân thượng trồng rau được chị Tâm đầu tư kệ, giàn cây leo, lưới mắt cáo xung quanh để thoải mái trồng các loại rau, gia vị, cây leo giàn… Chị trồng thổ canh nên thường chọn các loại chậu nhựa thông minh hoặc thùng xốp.

Để trồng được nhiều loại trên khoảng diện tích hạn chế, chị Tâm đã tính toán kỹ lưỡng để đặt vừa vặn các chậu sao cho đủ nắng, đủ gió. Phần kệ giúp các loại chậu trồng được cách xa so với sân thượng tạo độ thoáng, đồng thời giúp sân thượng thoáng sạch, khô ráo hơn.

Xà lách.

Chị trồng đa dạng rau quả.

Cô giáo dạy Toán chia sẻ: “Khoảng sân thượng rộng rãi và thông thoáng được mình lên kế hoạch bố trí vừa đủ các kệ trồng rau. Mình đặt 6 kệ, 2 hàng kệ hai bên dùng để trồng cây leo như mướp, bầu, bí, khổ qua…

Các hàng kệ phía trong được trồng hành lá, ớt, rau gia vị… Bên trong cùng là 3 hàng kệ được trồng luân phiên các loại rau ăn lá giúp bữa ăn hàng ngày luôn có thực phẩm sạch để thưởng thức”.

Thu hoạch bí.

Hành lá.

Rau húng.

Trồng rau bằng phương pháp hữu cơ, chị Tâm chọn cách tự ủ phân bằng rác nhà bếp, thêm phân bò khô, bánh dầu đậu phộng để luân phiên cung cấp đủ dinh dưỡng cho rau. Bên cạnh đó, chị còn ngâm dung dịch trị bệnh cho rau như rượu, gừng, tỏi, ớt… để xịt phòng trừ sâu bệnh. Với các loại rau vị rầy nhiều, chị chọn cách nhổ bỏ và rắc vôi bột lên, để đất nghỉ khoảng 2 tuần mới trồng loại cây mới.

Chị Tâm chia sẻ kinh nghiệm: “Trồng rau sạch cần chú ý nhất là khâu trộn đất. Mình thường trộn đất phù sa với rác nhà bếp, phân bò và một ít bánh dầu đậu phộng. Sau đó chị gieo hạt, tùy theo từng loại mà cách trộn đất khác nhau. Với việc áp dụng phương thức nuôi trùn trồng rau, mình thấy đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, cây tốt tươi và cho năng suất cao hơn”.

Ớt chi chít quả.

Mướp.

Với khu vườn trên sân thượng, chị Tâm ưu tiên trồng đa dạng các loại cây trồng một lần ăn cả năm. Nhờ cách làm này, khu vườn trên cao luôn xanh mướt. Mỗi ngày, chị luôn cố gắng dậy sớm để tưới rau, chăm sóc cây trên vườn. Buổi tối sau khi dọn dẹp nhà cửa xong xuôi, chị lại lên vườn để chăm chút từng chậu rau thêm tươi tốt.

Công việc trồng rau tuy khiến chị bận rộn hơn, vất vả hơn một chút nhưng nhìn những bữa ăn mỗi ngày thêm đa dạng, mọi người trong gia đình khỏe mạnh, chị lại có thêm động lực trồng thêm nhiều loại rau, loại cây hơn nữa trên khoảng vườn sân thượng của nhà mình.

Nguồn ảnh NVCC

Nguồn: http://ttvn.toquoc.vn/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *